Báo động Hệ thống Tư pháp không còn Công lý và sự vắng bóng của Cơ quan Điều tra VKS Tối cao? 

Vụ việc bi thảm ở Vĩnh Long, nơi ông Nguyễn Vĩnh Phúc tự sát sau khi dùng súng tự chế bắn chết tài xế xe tải – người đã gây tai nạn khiến con gái ông thiệt mạng năm 2024. Đây, không chỉ là một bi kịch cá nhân mà còn là hồi chuông cảnh báo về sự rạn nứt niềm tin vào hệ thống tư pháp Việt Nam. 

Đặc biệt, khi Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao chính thức chấm dứt hoạt động từ ngày 1/7/2025, theo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (Sửa đổi). Theo đó, những vụ việc như thế sẽ do Cơ quan Điều tra Bộ Công an tiếp quản. 

Công luận đã hết sức lo ngại về sự vắng bóng của một cơ quan độc lập như Cơ quan điều tra VKSND Tối cao. Đồng thời, đặt ra câu hỏi: Liệu hệ thống tư pháp ở Việt nam có đủ minh bạch và công bằng để ngăn chặn những bi kịch tương tự hay không?

Sự tuyệt vọng của ông Phúc bắt nguồn từ cảm giác bất lực trước hệ thống tư pháp, bởi những tin đồn cho rằng người tài xế gây tai nạn đã được “bảo kê” bởi lãnh đạo địa phương. Khi Kết luận Điều tra của Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long khẳng định rằng con gái ông Phúc có lỗi chính trong vụ tai nạn.

Thậm chí Công an huyện Trà Ôn còn kết luận nạn nhân – tức là nữ sinh 14 tuổi đã chết là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Điều đó, đã càng khiến gia đình và công luận cảm thấy công lý bị bóp méo tới mức vô phương cứu chữa. 

Khi người dân không còn tin vào hệ thống tư pháp, họ có thể chọn cách tự thực thi công lý bằng “bạo lực”, như ông Phúc đã làm, và dẫn đến hậu quả đau lòng, và một vòng xoáy đau thương sẽ không có hồi kết.

Việc giải thể Cơ quan điều tra VKSND Tối cao sẽ càng làm trầm trọng thêm vấn đề này. Trước đây, VKSND đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và điều tra các sai phạm tư pháp, đảm bảo tính khách quan trước những áp lực từ quyền lực địa phương. 

Khi thẩm quyền điều tra được chuyển hoàn toàn cho Bộ Công an, Liệu Bộ này có thể đứng ngoài áp lực từ chính quyền địa phương hay các nhóm lợi ích để điều tra minh bạch như việc “bảo kê” trong vụ việc ở Vĩnh Long? Nếu không, niềm tin của người dân vào công lý sẽ tiếp tục bị xói mòn, đẩy xã hội đến bờ vực bất ổn bởi bạo lực.

Hồng Lĩnh – Thoibao.de