Quyết định đặc xá cho hơn 8.000 phạm nhân nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước là một chủ trương về sự khoan dung của chính quyền Việt nam.
Tuy nhiên, lại gây sự phẫn nộ trong dư luận khi danh sách đặc xá xuất hiện những cái tên liên quan đến các đại án tham nhũng “nổi cộm” như Đỗ Hữu Ca, Nguyễn Nhân Chiến, Phạm Xuân Thăng… Đây là những kẻ từng giữ những chức vụ cao trong bộ máy quyền lực.
Trước đó, trong lần xuất hiện đầu tiên sau khi nhậm chức, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng với cam kết “không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ”.
Thế nhưng, Quyết định đặc xá cho hàng loạt các “ông lớn” tham nhũng thuộc hàng số má, đã khiến công luận phẫn nộ và đặt câu hỏi: Phải chăng lời nói và hành động của Tổng Bí thư Tô Lâm có sự tiền hậu bất nhất?
Việc, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình lý giải với lý do: những người được đặc xá đã “khắc phục hậu quả”, tức hoàn trả phần lớn số tiền tham nhũng, đã không thuyết phục được dư luận xã hội.
Cách xử lý này bị công chúng ví von như việc khi kẻ ăn cắp bị phát hiện, “trả lại gần đủ và được trắng án”. Đây, là sự vi phạm trắng trợn nguyên tắc cơ bản của pháp luật – công lý không thể mua được bằng tiền bạc.
Trong một xã hội pháp quyền, đặc xá là một công cụ nhân đạo, nhưng không thể trở thành “đặc ân” cho những kẻ từng thao túng quyền lực.
Nếu hành vi tham nhũng chỉ bị xử lý bằng việc nộp lại tài sản rồi được hưởng đặc xá, thì thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm đã trở thành, việc tham nhũng có thể là một sự đầu tư tốt – nếu trót lọt thì vớ bẫm, nếu bị bắt thì “trả lại” là xong.
Đây, là điều trái với kỳ vọng của dư luận xã hội về các cam kết đẩy mạnh chống tham nhũng của ông Tô Lâm. Và niềm tin vào công lý càng lung lay, khi xuất hiện những “vùng kín” được Đảng Cộng sản Việt nam che đậy bằng thủ tục hợp pháp.
Chống tham nhũng không thể chỉ là lời nói, và nếu “nói vậy nhưng không phải như zdậy” trở thành chuẩn mực, thì niềm tin vào sự liêm chính và công lý của bộ máy sẽ không gì cứu vãn nổi.
Hồng Lĩnh – Thoibao.de