Ngày 2/5, Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự liên quan vụ tai nạn làm bé gái 14 tuổi tử vong xảy ra ngày 4/9/2024 tại ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, làm cháu Nguyễn Ngọc Bảo Trân (sinh năm 2010, trú xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) tử vong.
Đây là phản hồi từ Bộ Công an sau khi một người cha tên Nguyễn Vĩnh Phúc vì bế tắc trong việc kêu oan cho con gái mình đã phải dùng súng tự chế bắn vào Nguyễn Văn Bảo Trung – người đã gây tai nạn khiến con ông chết rồi sau đó tự sát. Một bé gái 14 tuổi, chỉ ở tuổi thiếu niên nhưng bị Công an huyện Trà Ôn kết luận là “thành phần nguy hiểm cho xã hội”. Kẻ gây ra cái chết được bảo vệ, nạn nhân xấu số lại bị công an kết tội mà không cần tòa án. Vô cùng tàn ác.
Thật sự nếu không có cái chết của ông Nguyễn Vĩnh Phúc thì có lẽ lời kêu oan của ông Phúc không thể nào đến được Trung ương. Có thông tin cho rằng, ông Nguyễn Hoàng Văn-Thượng tá Công an Huyện Trà Ôn, người ký văn bản miễn tố đối với Nguyễn Văn Bảo Trung là người có quan hệ họ hàng với ông tài xế này.
Dù có phải họ hàng hay không thì qua vụ án này, thực tế cũng cho thấy, Công an huyện Trà Ôn đang dùng quyền lực của bộ máy công an nhằm đè bẹp tiếng nói kêu oan của người dân. Người dân phải dùng tính mạng của mình mới có thể đánh động đến Trung ương. Mà Trung ương chỉ yêu cầu điều tra và xét xử lại chứ chưa chắc người cha quá cố trên sẽ có được công lý. Bộ máy Trung ương không chắc sẽ công tâm trong trường hợp này.
Còn nhớ vụ án Hồ Duy Hải, báo chí và các luật sư đã chỉ ra sai trái trong quy trình tố tụng hình sự của Công an tỉnh Long An. Nhờ tiếng nói của báo chí và tiếng nói của những luật sư có lương tri mới tăng thêm sức mạnh cho lời cầu cứu của người nhà Hồ Duy Hải. Cuối cùng vụ án cũng được Trung ương xem xét giám đốc thẩm. Lúc ấy, rất nhiều người nghĩ án được Trung ương xem xét sẽ có cơ hội giải oan cho nạn nhân.
Vụ án được xử bởi ông Nguyễn Hòa Bình (Chánh án Tòa Án Nhân dân tối cao) lúc đó. Tuy nhiên, ông Chánh án quyền cao chức trọng này lại một lần nữa chà đạp lên quy trình tố tụng hình sự, chấp nhận vật chứng do Công an Long An tự mua ngoài chợ về để buộc án tử cho Hồ Duy Hải.
Thật ra việc lấy lại công bằng cho Hồ Duy Hải thì điều đó cũng có nghĩa là, các cơ quan tố tụng đã sai trong việc điều tra, truy tố và xét xử. Giữa một bên là gia đình thường dân và một bộ máy quan lại, Trung ương đã chọn cách chà đạp lên pháp luật, hàm oan cho người dân để bảo vệ cái sai cho cả một bộ máy.
Từ kinh nghiệm vụ án Hồ Duy Hải, việc Trung ương xem xét vụ án tai nạn giao thông tại Vĩnh Long không có nghĩa là cha con của bé Nguyễn Ngọc Bảo Trân đã có được công bằng.
Vụ án này cho thấy có bàn tay nhám nhúa của Công an huyện. Đáng nói là trưởng Công an huyện không đơn độc, ông này là người của giám đốc Công an tỉnh. Quen biết của ông thượng tá Nguyễn Hoàng Văn không dừng lại ở cấp huyện. Vì thế, giữa cái sai của bộ máy và cái đúng của thường dân, khó mà có công lý cho thường dân dù dân đã phải hy sinh tính mạng để đánh động lên trên.
Ngày 30/4, ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương và ông Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng được ông Lương Cường ký lệnh ân xá. Đây là những quan chức và người có tiền.
Họ tự xưng rằng “nhà nước ta là nhà nước của dân do dân và vì dân” nhưng thực tế, bộ máy khổng lồ này vì quan chức và vì người có tiền. Dân thấp cổ bé họng đừng có mơ.
Trần Chương -Thoibao.de