Vương Đình Huệ là phương án 1 của Nguyễn Phú Trọng, Võ Văn Thưởng là phương án 2 cho chiếc ghế Tổng bí thư. Hai người này nhanh chóng bị Tô Lâm đánh “rớt đài” trong vòng 40 ngày và từ đó đường đến ngai vàng của Tô Lâm không còn ai cản đường. Hai nhân vật được Nguyễn Phú Trọng dày công vun đắp như 2 lâu đài được xây trên cát, mau chóng sụp đổ.
Điểm yếu chí tử của các quan chức là để lộ sân sau, không tiến hành “xây thành đắp lũy” để tránh được những đòn đánh của Bộ Công an, vì thế họ bị dính phốt hồ sơ đen nên phải rời cuộc chơi sớm. Tuy nhiên, song song với Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ thì cũng có nhân vật chưa bị sụp đổ vì Tô Lâm. Đấy là trường hợp của Phạm Minh Chính. Vì “xây thành đắp lũy” quá kiên cố mà hết lần này đến lần khác, Tô Lâm đành bó tay. Vì thế, ở Hội nghị Trung ương lần thứ 11 vừa qua Phạm Minh Chính cũng thành công với việc giữ tên mình trong danh sách cơ cấu nhân sự mới trong Bộ Chính trị.
Phạm Minh Chính xem như là tảng đá khó bị dẹp bỏ. Tuy nhiên, Phạm Minh Chính cũng chỉ muốn an bài ở vị trí Thủ tướng, không muốn hơn nữa. Nếu Phạm Minh Chính tiếp tục giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ sau, thế và lực Tô Lâm vẫn mạnh nhất.
Đáng chú ý là thế lực mới, thế lực Phan Văn Giang đang nổi lên rất mạnh mẽ. Sẽ không đáng lo ngại nếu Phan Văn Giang ngồi vào ghế Chủ tịch nước hữu danh vô thực mà không nắm Bộ Quốc phòng. Nếu trường hợp đó xảy ra, Tô Lâm không cần phải bận tâm. Tuy nhiên, đi kèm ghế Chủ tịch nước là ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đang rất gần với Nguyễn Tân Cương-một đàn em của Phan Văn Giang. Việc Tướng Cương nắm Bộ Quốc phòng chẳng khác nào Lương Tam Quang nắm Bộ Công an. Khi đó, tiếng nói của Phan Văn Giang sẽ rất có trọng lượng chứ không “hữu danh vô thực” như các Chủ tịch nước trước đây.
Trong tay Tô Lâm đang có 2 thanh gươm báu, thứ nhất là Bộ Công an do Lương Tam Quang nắm giữ, thứ nhì là Ủy ban Kiểm tra Trung ương do Nguyễn Duy Ngọc điều hành. Trong đó, Bộ Công an tuy có lực lượng hùng hậu, đội ngũ điều tra có nghiệp vụ tốt thì lại không được phép điều tra Bộ Quốc phòng, trong khi đó lực lượng của Nguyễn Duy Ngọc mỏng hơn, nghiệp vụ yếu hơn Công an rất nhiều nhưng Ủy ban Kiểm tra Trung ương lại được quyền kiểm tra quân ủy Trung ương.
Thời gian gần đây, cộng đồng mạng lại nổi lên thông tin về con gái và con rể ông Phan văn Giang. Cặp vợ chồng Phan Minh Phượng-Sử Trường Nam giàu có một cách bất minh. Rất có thể đây là viên đá dò đường của phe đang muốn hạ bệ Phan Văn Giang. Hình ảnh sân sau khủng đang dần lộ rõ. Tuy nhiên, bước tiếp theo của Tô Lâm là gì vẫn không ai đoán được.
Để điều tra những vấn đề khuất tất trong chi tiêu quốc phòng do Tướng Giang điều khiển, Tô Lâm chỉ có thể phân công Nguyễn Duy Ngọc. Tuy nhiên, việc điều tra nguồn gốc dòng tiền và những doanh nghiệp được cho là “trá hình” do cặp vợ chồng Phan Minh Phượng-Sử Trường Nam điều hành, Tô Lâm có thể phân công cho Lương Tam Quang tung quân tìm hiểu.
Như vậy để tìm ra vết đen của Phan Văn Giang, Tô Lâm có thể phân công tướng Nguyễn Duy Ngọc đánh từ bên trong và tướng Lương Tam Quang đánh từ bên ngoài. Cách làm này rất khả thi. Khó khăn cho Tô Lâm là thời gian đến đại hội không còn nhiều, nếu không đủ bằng chứng để hạ Phan Văn Giang, thì con đường quan lộ của Phan Văn Giang thẳng tiến. Đến khi Phan Văn Giang vào tứ trụ và Nguyễn Tân Cương nắm Bộ Quốc phòng thì xem như mọi việc an bài, rất khó hất được tướng Giang.
Thành trì của Phan Văn Giang đang có dấu hiệu hở sườn. Đợi xem Tô Lâm sẽ tấn công nó bằng cách nào?
Thái Hà -Thoibao.de