Phát ngôn của ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục trưởng Quản lý thị trường rằng “hàng giả tồn tại vì người dân biết mà vẫn cố tình mua” – là một lời biện hộ phiến diện, thiếu trách nhiệm và mang tính đổ lỗi trắng trợn.
Người dân không phải ai cũng có khả năng phân biệt hàng giả, nhất là khi hàng nhái ngày càng tinh vi, đánh lừa cả những người cẩn trọng. Hàng giả tồn tại không phải vì dân “tiếp tay” mà vì hệ thống quản lý lỏng lẻo, thiếu quyết liệt, xử lý theo kiểu “cho có” và thậm chí để lọt tội phạm trong sự thờ ơ đáng ngờ.
Không thể chỉ chăm chăm đổ lỗi cho người dân như một cách “đá bóng trách nhiệm”. Việc ông Bách phát biểu vô trách nhiệm đăt ra một câu hỏi nghiêm túc: Liệu ông còn đủ tư cách và năng lực để giữ chức vụ Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường hay không? Với phát ngôn mang tính bao biện, trốn tránh trách nhiệm, ông không chỉ gây mất niềm tin trong dư luận mà còn cho thấy sự thiếu nhạy bén và dũng khí cần có của một người đứng đầu trong bộ máy công quyền.
Đồng thời, cũng phải truy xét trách nhiệm của Nhà nước trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Không thể để những người tư duy đổ lỗi, kém năng lực đứng đầu một lực lượng quan trọng. Đã đến lúc cần minh bạch, sàng lọc, chấm dứt tình trạng “bổ nhiệm theo quan hệ, không theo năng lực.”
Chống hàng giả không thể thành công nếu người đứng đầu chỉ biết đổ lỗi. Muốn dẹp được hàng giả, trước tiên phải dẹp bỏ tư duy bao che, thoái thác và lợi ích nhóm trong chính bộ máy quản lý. Đã đến lúc phải mạnh tay làm sạch bộ máy, sàng lọc những cán bộ không đủ tâm – tầm – tài, để đảm bảo rằng công cuộc chống hàng giả không chỉ là khẩu hiệu suông, mà là một cuộc chiến thực sự, với những con người xứng đáng đứng đầu.
Thiện Nhân